Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Tác dụng của lá vối


Trà nụ vối - Ai cũng biết "Cây vối", một loại cây quen thuộc của làng quê ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ lâu đời nhân dân ta đã biết sử dụng lá vối hay nụ vối với cách chế biến đơn giản tạo thành loại trà nấu hay hãm lấy nước uống thường ngày, chữa bệnh rất hiệu nghiệm.
Vối được sử dụng có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh gọi là vối kê hay vối nếp; còn loại lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là vối tẻ. Trong lá và nụ vối chứa tanin, khoáng chất và vitamin... khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu. Lá vối cũng có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Đặc biệt nó lại giàu dược tính nên được dùng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh chứng rất hiệu quả.


Toàn lá, cành non và nụ có mùi thơm dễ chịu. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Cần phân biệt cây này với vối rừng, mọc hoang ở vùng núi. Nó cũng thuộc họ sim và được Đông y dùng vỏ cây làm thuốc, gọi là hậu phác. Vị thuốc hậu phác được dùng chữa đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa….

Cây vối


Mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi. Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ uống loại nước trắng suông (như nước đun sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc chè tươi, sau cùng một thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.

Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Mỗi khi ăn một bữa có nhiều thịt, mỡ, người ta thường nấu một nồi nước vối thật đặc để uống cả ngày. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 – 3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6 – 12g một ngày.


Câu chuyện "Lá vối của mẹ"

Sáng nay tôi đón mẹ từ quê vào thăm, sân ga đông đúc nhưng dáng mẹ không lẫn vào đâu với một tay cầm nón, một tay xách bịch nilon to màu đen… Tôi biết, mẹ lại mang vào cho tôi lá vối phơi khô để uống.
Nhìn mẹ loay hoay với túi đồ, tôi thấy thương quá, có ai bắt mẹ phải vất vả thế đâu. Hình ảnh mẹ làm tôi nhớ đến bài thơ “Nước vối quê hương” của Nguyễn Trọng Định:

Mẹ lên thành phố với con
Nhớ hoài cây vối vẫn còn dưới quê
Một năm may có dịp về
Mẹ ngồi bên gốc ủ ê nổi buồn

Thành phố có bao nhiêu loại nước để đãi mẹ, nhưng mẹ vẫn chỉ thích nước lá vối. Mẹ bảo, uống nước lá vối nhà quê rất tốt, tốt hơn tất cả các loại nước ở thành phố. Nước vối giúp tiêu mỡ, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, giải nhiệt, lợi tiểu và rất mát; người nhà quê khỏe mạnh một phần là nhờ những thứ nước lá này. Chính vì thế, từ khi còn bé, tôi đã thấy mẹ nghiện vị chát chát, đắng nhẹ, lại hơi ngọt và hương thơm ngai ngái của thứ nước là này.

Ngày nào mẹ cũng nấu một nồi nước lá vối, mùa đông mẹ thường ủ trên bếp trấu, mùa hè mẹ rót vào những ấm tích, cứ đi ra một cốc, đi vào một cốc, hết ngày là cũng hết nồi nước vối. 

Lá vối mẹ thường dùng là loại lá khô. Mẹ nói uống nước lá vối khô ngon và tốt hơn khi còn tươi. Mẹ ủ lá vối theo cách của mình: Lá vối hái từ ngoài vườn vào, hãy còn rất tươi, mẹ cho ngay vào trong một cái thúng có lót ở dưới ít rơm khô. Sau khi đổ đầy lá vối vào thúng, mẹ phủ tiếp một lớp rơm thật dày lên trên để giữ nhiệt. Mẹ để thúng nơi kín gió, sau hai ngày lá vối từ màu xanh sẽ ngả sang màu hơi vàng. 

Để bảo quản được nhiều ngày, ủ xong mẹ còn phơi lá vối trong bóng râm hai ngày cho lá vối hoàn toàn khô rồi mới gói trong những tờ lịch cũ, cho vào túi ni lông để dành dùng dần. Mùi nồng hăng của lá vối, cộng với vị chan chát của nhựa khiến lá vối trở thành một thứ lá chống mối mọt rất tốt cho lúa, đậu của người dân ở quê. Chỉ cần bỏ vào trong chum hay vại nhúm lá vối khô, mối mọt sẽ không dám ghé đến.

Lá vối không chỉ dùng để uống mà còn có thể chữa bệnh lở loét, chốc ghẻ rất hiệu quả. Sắc thật đặc nước vối, dùng rửa vết thương lở loét ngày 2 lần, làm như thế trong nhiều ngày sẽ khỏi.

Mỗi lần nghe mẹ kể về những tác dụng của lá vối, tôi hiểu, thứ lá bình dị quê mùa ấy đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mẹ. Cũng vì thế, hình ảnh gốc vối sau nhà ở quê luôn gắn với hình ảnh của mẹ trong nỗi nhớ của tôi.
>> Xem thêm: địa chỉ bán nụ vối
Nụ vối sưu tầm

1 nhận xét:

  1. Tác dụng của cây vối rất tốt. lá nụ vỏ và ễ đều làm thuốc.

    Trả lờiXóa